Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Trạng Lợn thực sự là ai



Trạng Lợn là ai?

Người Hà Nam vẫn luôn coi Trạng Lợn là một danh nhân của quê mình. Âu cũng là điều dễ hiểu, vì những tác phẩm của Trạng Lợn đã thật sự sống trong lòng người, nhất là ở Bình Lục.

Người ta cho rằng vì ông sinh ra ở làng Mạnh Chư, mà chữ Chư đồng âm với chữ Trư trong ngữ Hán là Lợn nên gọi là Trạng Lợn. Mặt khác, trạng lại xuất thân và tiếp nối nghề thịt lợn, một loại nghề mà người xưa vẫn coi là thấp kém. Người ta cho rằng, do cạnh tranh mua bán, tiếp xúc với đủ mọi hạng người, nên người làm nghề thịt lợn thường dễ trở nên tinh ranh... Cộng thêm với cái "tài" thiên phú nên Trạng Lợn đã nổi tiếng là một "kho cười".

Cũng có ý kiến cho rằng Trạng Lợn là một nhân vật " hư cấu", là nhân vật dân gian, đứng tên cho các truyện cười được tập hợp lại thành một nhân vật văn học điển hình mang ý nghĩa trào lộng sâu sắc.

Toàn bộ tác phẩm thể hiện cuộc đời một con người với nhiều giai đoạn khác nhau. Cái đặc sắc là ở chỗ ở giai đoạn nào cũng đều tạo nên những tràng cười sảng khoái, thú vị. Cả cái nghề làm thịt lợn của ông cũng mang đến cho cuộc đời những chuỗi cười khi thì bôi bác, lúc lại hào hứng nghiêm túc, làm đảo lộn mọi điều; Ngay cả ông trời là đấng tôn nghiêm, cũng trở thành trò cười cho thiên hạ qua những câu chuyện của Trạng Lợn. Tục truyền: Thuở ấy, vua nước Nam ta được sứ giả Trung Quốc mang đến biếu một khúc gỗ sơn đen. Trên bề mặt của khúc gỗ có ghi ba chữ: "Hồ bất thực" đầy bí ẩn. Sứ giả vẻ kiêu căng, đố vua quan ta đó là chữ gì? Vua cho mời Trạng Lợn tới hỏi ý kiến. Không một chút ngập ngừng, nhìn ba chữ trên khúc gỗ, ông đã phán ngay rằng: "Hồ bất thực" là "cáo chẳng ăn". Mà cáo chẳng ăn thì cáo gầy, "cáo gầy" có nghĩa nói lái là "cây gạo". Quả nhiên khi đem bổ khúc gỗ ra xem thì đúng là gỗ cây gạo thật. Sứ giả Trung Quốc phải bái phục sự thông minh của người nước Nam ta.

Mặc dù chỉ xuất thân làm nghề thịt lợn, không đỗ đạt gì cao sang, nhưng do tài trí và công lao lớn nên Trạng Lợn vẫn được vua phong "Chân Trạng nguyên". Công lao của ông đâu phải ít: Lập công trong việc cứu nguy, phò tá vua, chế áp gian thần; lại có nhiều chiến tích trong việc đánh đuổi giặc; đi sứ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khiến vua quan nước sở tại phải bái phục... Ông đã có tước cao đến Thượng Quốc công.

Trạng Lợn chính là một tác phẩm văn học, hóa thân thành đại diện cho trí tuệ, tài năng , sự thông minh và dí dỏm của nhân dân lao động nước ta, vừa đậm đà mầu sắc dân gian, lại vừa giàu chất bác học trong đó.


Đặng Đình Chấn

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015

Trạng Lợn xem bói




Chung Nhi đến kinh, mở một ngôi hàng xem bói. Thế nào lại gặp hai ông bạn đồng hành khi trước vào nhờ xem một quẻ. Ba người gặp nhau vui mừng khôn xiết. Hai người bạn kia liền bảo Chung Nhi gieo cho một quẻ xem phận rồng mây phen này thế nào. Chung Nhi khấn khứa, xem quẻ rồi đoán: 

- Trong quẻ này Thánh dạy: “Quần long vô chủ” tất kỳ thi năm nay hoãn. 

Thì ra mấy hôm trước, có hai vị quan đến xem bói nói chuyện riêng với nhau để lộ ra. Chung Nhi nghe lỏm được nên mới dám đoán già như thế. Hai người bạn, tuy biết tài Chung Nhi nhưng trong lòng thì chưa tin lắm, còn những người xem bói khác thì hoàn toàn bảo lão thầy bói nói láo. Khi sắp đến kỳ thi, quả nhiên có giấy niêm yết báo hoãn. Ai nấy giật mình, cho Chung Nhi là bậc tiên tri. Từ đó tiếng đồn gần xa, khắp kinh kỳ rủ nhau đến xem bói đông nghìn nghịt... 

Một hôm, quan Thượng thư bộ Binh lạc mất con thiên lý mã. Quan tiếc lắm, vì là con ngựa rất quý. Nghe đồn có thầy bói giỏi, quan sai cho gọi Chung Nhi vào dinh. Nằm trong dinh quan Thượng, được cung phụng đầy đủ mọi thứ, nhưng Chung Nhi lo lắm, ăn không ngon, ngủ không yên giấc, trằn trọc suốt đêm, bụng luôn nghĩ đến chuyện mất ngựa. Bất giác Chung Nhi nhớ đến mấy câu trong “Tam tự kinh” học hồi còn nhỏ, liền ngâm to lên cho khuây khỏa: “Mã ngưu dương, thử lục súc, nhân sở tự...”. 

Chẳng dè tên lính hầu trong dinh đúng là tên trộm ngựa. Khi mới nghe tin quan Thượng mời Chung Nhi vào, hắn đã lo, nên ngày đêm lai vãng gần đó để nghe ngóng. Đêm hôm ấy, hắn chui xuống gầm giường Chung Nhi nằm, xem động tĩnh ra sao, đương hồi hộp đợi chờ, bỗng nghe thấy Chung Nhi đọc vanh vách nào là “mã” với “tự”. “Mã” là ngựa, còn “tự” thì đúng là tên hắn. Hắn sợ quá, cho là Chung Nhi đã hô đích danh mình rồi, bèn lóp ngóp bò ra khỏi gầm giường, vừa vái vừa kêu, xin khai hết sự thật, nhưng xin Chung Nhi đừng nói rõ tên với quan Thượng. Chung Nhi được thể, thét bảo: 

- Ừ, mày lấy trộm ngựa ngày nào, giờ nào, bây giờ giấu ngựa ở đâu? Muốn sống khai ra ngay, không tao hô lên tất cả đến đây thì khó mà cứu vãn đó! 

Tên ăn trộm khai hết đầu đuôi. Hôm sau, Chung Nhi vào hầu quan Thượng, giả cách khấn khứa gieo quẻ, rồi cứ lời tên kẻ trộm khai mà nói ra vanh vách. Quan cho người đến tận nơi, quả thấy ngựa quý, mừng lắm, thưởng cho Chung Nhi rất nhiều vàng bạc. Từ đó, tiếng tăm Chung Nhi càng lừng lẫy, ai ai cũng gọi chàng là Trạng.. bói!!!