Trạng Lợn là ai?
Người Hà Nam vẫn luôn coi Trạng Lợn là một danh nhân của quê mình. Âu cũng là điều dễ hiểu, vì những tác phẩm của Trạng Lợn đã thật sự sống trong lòng người, nhất là ở Bình Lục.
Người ta cho rằng vì ông sinh ra ở làng Mạnh Chư, mà chữ Chư đồng âm với chữ Trư trong ngữ Hán là Lợn nên gọi là Trạng Lợn. Mặt khác, trạng lại xuất thân và tiếp nối nghề thịt lợn, một loại nghề mà người xưa vẫn coi là thấp kém. Người ta cho rằng, do cạnh tranh mua bán, tiếp xúc với đủ mọi hạng người, nên người làm nghề thịt lợn thường dễ trở nên tinh ranh... Cộng thêm với cái "tài" thiên phú nên Trạng Lợn đã nổi tiếng là một "kho cười".
Cũng có ý kiến cho rằng Trạng Lợn là một nhân vật " hư cấu", là nhân vật dân gian, đứng tên cho các truyện cười được tập hợp lại thành một nhân vật văn học điển hình mang ý nghĩa trào lộng sâu sắc.
Toàn bộ tác phẩm thể hiện cuộc đời một con người với nhiều giai đoạn khác nhau. Cái đặc sắc là ở chỗ ở giai đoạn nào cũng đều tạo nên những tràng cười sảng khoái, thú vị. Cả cái nghề làm thịt lợn của ông cũng mang đến cho cuộc đời những chuỗi cười khi thì bôi bác, lúc lại hào hứng nghiêm túc, làm đảo lộn mọi điều; Ngay cả ông trời là đấng tôn nghiêm, cũng trở thành trò cười cho thiên hạ qua những câu chuyện của Trạng Lợn. Tục truyền: Thuở ấy, vua nước Nam ta được sứ giả Trung Quốc mang đến biếu một khúc gỗ sơn đen. Trên bề mặt của khúc gỗ có ghi ba chữ: "Hồ bất thực" đầy bí ẩn. Sứ giả vẻ kiêu căng, đố vua quan ta đó là chữ gì? Vua cho mời Trạng Lợn tới hỏi ý kiến. Không một chút ngập ngừng, nhìn ba chữ trên khúc gỗ, ông đã phán ngay rằng: "Hồ bất thực" là "cáo chẳng ăn". Mà cáo chẳng ăn thì cáo gầy, "cáo gầy" có nghĩa nói lái là "cây gạo". Quả nhiên khi đem bổ khúc gỗ ra xem thì đúng là gỗ cây gạo thật. Sứ giả Trung Quốc phải bái phục sự thông minh của người nước Nam ta.
Mặc dù chỉ xuất thân làm nghề thịt lợn, không đỗ đạt gì cao sang, nhưng do tài trí và công lao lớn nên Trạng Lợn vẫn được vua phong "Chân Trạng nguyên". Công lao của ông đâu phải ít: Lập công trong việc cứu nguy, phò tá vua, chế áp gian thần; lại có nhiều chiến tích trong việc đánh đuổi giặc; đi sứ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khiến vua quan nước sở tại phải bái phục... Ông đã có tước cao đến Thượng Quốc công.
Trạng Lợn chính là một tác phẩm văn học, hóa thân thành đại diện cho trí tuệ, tài năng , sự thông minh và dí dỏm của nhân dân lao động nước ta, vừa đậm đà mầu sắc dân gian, lại vừa giàu chất bác học trong đó.
Đặng Đình Chấn